LỊCH SỬ CỦA CỜ VUA
“Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người,
trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ”
Trên hành tinh chúng ta có một trò chơi
kết hợp trí tuệ và nghệ thuật do con người sáng tạo ra từ ngàn năm nay.
Trải qua hàng chục thế kỷ chiêm nghiệm, con người đã liệt nó vào một
trong bốn thú chơi thanh tao, nghệ thuật bậc nhất của nhân loại “Cầm Kỳ Thi Họa“.
Đó chính là Cờ (Kỳ). Cờ được sánh ngang với âm nhạc, hội họa, văn
chương. Như vậy thì quả là không còn gì phải bình phẩm thêm nữa !
Từ một thú chơi, cờ dần dà mang tính thể
thao thử thách trí thông minh, óc sáng tạo của con người. Thời gian
sàng lọc tất cả, chỉ những gì tinh tuý nhất mới được giữ lại. Trên trái
đất này đã từng xuất hiện biết bao trò chơi, biết bao môn thể thao,
trong số đó có rất nhiều trò chơi xuất hiện rồi mai một, rơi vào dĩ vãng
và bị quên lãng. Riêng cờ thì khác hẳn. Đã trải qua hơn ngàn năm kể từ
ngày nó ra đời, không những nó không bị mai một đi mà trái lại ngày càng
phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả các châu lục. Ngày nay khi nhân
loại ngày càng văn minh thì cũng là lúc cờ ở vào thời kỳ hoàng kim của
mình. Dù là cờ Tướng hay cờ Vua (bởi chúng là hai anh em sinh đôi) thì
sức sống của chúng ngày càng mãnh liệt.
Một cách tự nhiên, những người chơi cờ, những người yêu thích cờ vua đến một lúc nào đó cũng sẽ đặt ra câu hỏi:
→Cờ vua có từ bao giờ và lịch sử cả nghìn năm qua của nó ra sao?
→Vì sao cờ vua được con người yêu thích và say mê như vậy?
→Từ xưa tới nay ai là những người chơi cờ vua giỏi nhất?
→Lợi ích của cờ vua đối với con người là gì?
→Cờ vua ngày nay có khác gì với cờ vua ngày xưa không? v.v…
Để trả lời những câu hỏi trên chúng ta
hãy ngược dòng thời gian, cùng làm một chuyến du lịch về quá khứ thông
qua câu chuyện dưới đây!
Những dòng mở đầu về lịch sử cờ cũng giống như ở các câu chuyện cổ tích mà chúng ta thường nghe :”Ngày xửa ngày xưa, cách đây lâu lắm rồi…”
“Vào
khoảng thế kỷ thứ 6, Ấn Độ ,quốc gia rộng lớn của Phương Đông, từng là
một trung tâm văn hóa và nghệ thuật thế giới. Ngày nay,sang thăm đất
nước này, chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc trước những đền đài hùng vĩ,
những nhà thờ lộng lẫy, oai nghiêm, những khu lăng tẩm tráng lệ, những
tượng thần tạc bằng đá, bằng đồng…tinh vi, sống động…
Vào thời
xa xưa ấy, Ấn Độ cũng là đỉnh cao của toán học, của khoa chiêm tinh. Ấn
Độ có nhiều nhà bác học mà thời đó người ta gọi là các nhà thông thái.
Các nhà
thông thái của thế giới cổ đại ấy đã sáng tạo một trò chơi gọi là
”Saturanga” tức là trò chơi chiến trận đối kháng có hai bên tham gia.
Các quân tượng trưng cho một thế trận gồm đầy đủ chỉ huy và bốn binh
chủng quân đội thời bấy giờ. Phía trước là một hàng quân tiến bước, tiếp
đến là các chàng kỵ mã và các đội voi chiến (Ấn Độ có rất nhiều voi).
Mé ngoài cùng là những chiếc xe di động. Chiễm chệ giữa hàng quân là đức
Vua cùng với các cận thần.
Lúc đầu
thế trận như vậy được bày trên đất, có cả “sông” và “núi” ngăn cách. Dần
dà thế trận rộng lớn được thu nhỏ lại trên một bàn cờ được chia thành
các ô và các quân được cách điệu hóa. Từ đó cờ dễ dàng đến với tất cả
mọi người, chu du khắp thiên hạ. Các nhà thông thái hết sức thú vị với
cách bày trận của mình vì họ cảm thấy chính họ là những thống lĩnh tối
cao, chỉ huy toàn bộ ba quân, được dịp phô trương tài nghệ thao lược của
mình. Quân của hai bên khôn khéo dàn trận, cố gắng chiếm những vị trí
xung yếu, lấn dần trận địa đối phương rồi xáp chiến, khi tấn công mạnh
mẽ, khi thoái lui chiến lược, lúc bất thần đánh thẳng vào đại bản doanh
quân địch để bắt sống Vua đối phương, và cũng không ít khi bị bên đối
phương “cao tay ấn” đánh cho tơi tả, chạy trốn không còn mảnh giáp, lại
phải nhẫn nhục, kiên trì gom góp tàn quân, gan góc cố thủ, suy tính cơ
mưu để phục hồi lực lượng, phục kích đối phương nhằm chuyển bại thành
thắng. Mỗi nhà cầm quân vừa có tài thao lược vừa phải nắm bắt mọi ý đồ,
mưu mẹo của đối thủ, phải “đi guốc trong bụng” địch thủ, phán đoán được
chiến thuật chiến lược, điểm mạnh điểm yếu của đối phương. Những tình
cảm rất tự nhiên của con người như vui buồn, yêu ghét, tức giận, khoan
hòa… đều thể hiện qua cuộc cờ. Trái tim người chơi cờ cũng rung động
theo những tình cảm đó, tạo nên niềm say mê không bao giờ dứt.
***
Một câu chuyện nhỏ thú vị về sự ra đời của cờ vua
Truyền thuyết kể lại rằng sau khi phát
minh ra bàn cờ, nhà phát minh được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng
cho mình. Ông bèn tâu lên: “Muôn tâu bệ hạ, bàn cờ của hạ thần có 64 ô
vuông, xin bệ hạ cho đặt ở ô thứ nhất một hạt thóc, ô thứ hai gấp đôi ô
thứ nhất tức là hai hạt và cứ như thế số thóc của ô sau gấp đôi ô
trước”. Nhà vua thấy rằng những hạt thóc nhỏ bé được đặt vào chỉ có 64 ô
cờ chắc chẳng đáng là bao bèn đồng ý ngay và giục quần thần đếm thóc
thưởng cho ông. Sau một hồi tính toán, quần thần kinh hãi tâu cho vua
biết số thóc ấy là con số :
18 446 744 073 709 551 615 hạt
Một con số lớn khủng khiếp mà nếu quy ra
thóc thì toàn bộ số thóc có trong vương quốc cộng với toàn bộ số thóc
của các nước lân bang cũng không đủ để thưởng cho nhà phát minh.Thật tài
tình, Ai cũng phải nể phục trí tuệ đáng kinh ngạc của ông ấy!”
***
Vẫn còn một câu truyện thú vị khác – câu chuyện về vương quốc cờ vua (xem…)
Các quân cờ dần dần được cách điệu hóa và luật chơi cờ vua
cũng hình thành rõ ràng. Nói đúng ra thì luật lệ trò chơi ấy lúc bấy
giờ còn đơn giản hơn nhiều so với bây giờ. Các nhà khảo cổ đã khai quật
và tìm được những quân cờ nguyên dạng thời đó. Các nhà nghiên cứu ngôn
ngữ,văn học cũng đã tìm được những văn bia, bản chép tay, tuy ít ỏi song
cũng khá đầy đủ để chứng minh được sự ra đời của trò chơi trí tuệ xuất
hiện đầu tiên trên đất nước này.
Ví dụ trong quyển trường ca bằng thơ
nhan đề ”Vaxavađata” của nhà thơ Xabar, viết bằng tiếng Phạn vào cuối
thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7, có một đoạn miêu tả , so sánh một cách dí
dỏm :”Ôi, mùa mưa đóng vai trò như một ván cờ, mà quân cờ là những con
ếch xanh, những con ếch vàng đang nhảy nhót trong khu vườn muôn màu hoa
lá”.
Cũng một bài thơ Ấn Độ khác vào cuối thế
kỷ thứ 7, ca ngợi lòng yêu hòa bình và nhân từ của nhà vua Xrihasi trị
vì thời bấy giờ. Lời thơ mô tả :”Đất nước của đấng anh minh không có sự
hiềm khích ngoài sự tranh đua của những bầy ong, người ta không dẫm chân
lên nhau ngoài những dòng thơ ca, các đội quân không đánh nhau, ngoài
những đội quân trên bàn cờ”.
Các đoàn thuyền trên biển cả, các đoàn
lạc đà chở nặng hàng hóa đi về phía Tây. Những người chủ của những
chuyến hàng đã học được khá nhiều điều hay và mới lạ ở những quốc gia
mình đã đi qua, đem về kể và truyền lại cho đồng bào mình.Trong số những
điều mới lạ ấy có cả trò chơi Saturanga kỳ thú.
Tương tự như thế, trò chơi Saturanga
theo những con đường thương mại và Phật đạo, vượt qua bao núi cao vực
thẳm sang phía Đông để đặt nền tảng cho cờ Tướng ở Trung Hoa và các nươc Đông Nam Á.
Ở Trung Á, trò chơi ngoại nhập này mau
chóng được mọi tầng lớp ưa chuộng. Không những các nhà quyền quí, lái
buôn giàu sụ cho mình là ”nhà thông thái”, khoe tài ”đánh trận” mà cả
vua chúa, quần thần, tướng lĩnh cho đến những người thợ thủ công chân
đất trong giờ nhàn rỗi cũng đọ trí, thử tài với nhau. Do nhiều người
chơi cho nên luật đặt ra cũng phải thống nhất. Luật chơi cờ được cải
tiến dần, số quân mỗi bên được ấn định đúng với chức năng của nó. Ví dụ
quân Xe được thay bằng quân Tháp. Bởi vì khi ấy ở Trung Á người ta không
hiểu Xe để làm gì, mà bao giờ ở vành ngoài cùng, để bảo vệ một pháo đài
hoặc một kinh đô, cũng là những bức tường thành được biểu hiện bằng
những chiếc Tháp. (Trong cờ Vua người ta gọi là quân Xe vì nó nước đi
giống như nước đi của quân Xe ở cờ Tướng, nhưng tên đúng của nó là Tháp,
hoặc là Thành). Còn voi thì ở Trung Á không có nên họ thay quân Tượng
bằng quân khác (ở ta gọi là quân Tượng chỉ vì nó có nước đi chéo giống
như Tượng trong cờ Tướng) Cũng nói thêm là khi Saturanga sang đến Trung
Hoa thì xuất hiện thêm một quân mới là quân Pháo, lúc đấu là loại “pháo”
bắn bằng đá nên chữ Pháo có bộ “Thạch” nằm phía trước, sau này khi pháo
dùng thuốc nổ thì người ta đổi bộ “thạch” thành bộ “hoả”. Như vậy
Saturanga đến những vùng đất mới nó lại có được những cải tiến thích ứng
với quan niệm về thể chế và binh nghiệp tại nơi đó.
Ở Trung Á người ta đã cải tiến một bước,
cờ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt và có được những luật chơi ban đầu; điều
đó cũng giống như người ta tìm ra được công thức tính diện tích hình
tròn. Ngày nay, mỗi học sinh phổ thông đều biết tính diện tích hình tròn
bằng công thức đơn giản : S =pR2. trong đó R là bán kính hình tròn.
Thủa xưa công thức tính diện tích hình tròn dài lê thê, mô tả đến mấy
trang, chữ viết dày đặc, đọc vỡ đầu chưa chắc đã hiểu được, bởi vì thời
đó người ta chưa có khái niệm về số p (số pi).
Nguồn: thanglongkydao.com
HỘI
BOARDGAMES & CAFE CHUYÊN MUA BÁN PHÂN PHỐI VÀ CHO THUÊ BOARDGAME
MANG VỀ NHÀ. CAM KẾT GIÁ RẺ BẤT NGỜ. HIỆN ĐÃ CÓ MẶT TẠI TAM KỲ. KHU VỰC
TAM KỲ ORDER HÀNG TỪ HỘI KHÔNG TÍNH PHÍ SHIPPING.
-------------------
Facebook: https://www.facebook.com/46nct/
Group: https://www.facebook.com/groups/HoiBGDN/
Blog: http://hoiboardgame.blogspot.com/
Tumblr: https://www.tumblr.com/blog/boardgamedanang
Instagram: https://www.instagram.com/board_game_da_nang/
Flickr: https://www.flickr.com/photos/boardgamedanang/
Sđt: A. Nhật 0989546630 - A. Tường 0906428042
Đ/C: 46 Nguyễn Chí Thanh, Tp. Đà Nẵng
Facebook: https://www.facebook.com/46nct/
Group: https://www.facebook.com/groups/HoiBGDN/
Blog: http://hoiboardgame.blogspot.com/
Tumblr: https://www.tumblr.com/blog/boardgamedanang
Instagram: https://www.instagram.com/board_game_da_nang/
Flickr: https://www.flickr.com/photos/boardgamedanang/
Sđt: A. Nhật 0989546630 - A. Tường 0906428042
Đ/C: 46 Nguyễn Chí Thanh, Tp. Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét