Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

6 trò chơi giúp phát triển trí não cho trẻ chập chững và mầm non

Trẻ nhỏ học nhanh nhất qua các trò chơi. Nói thế không có nghĩa là mẹ phải mua thật nhiều đồ chơi mắc tiền cho con đâu; thay vào đó, hãy thử tham khảo và áp dụng cho con những trò chơi đơn giản, thú vị mà lại có tác dụng rất tốt trong việc phát triển trí não dưới đây nhé.

1. Trò chơi xếp khối

Trò chơi này khuyến khích bé trải nghiệm. Chẳng hạn bé tự hỏi: “Để cái khối to lên cái khối nhỏ thì sẽ thế nào?” rồi khi thực hiện, bé hiểu ra: “À, nó sẽ đổ xuống!” Thế là bé học được thêm một điều: “Khối to để trên khối nhỏ sẽ bị đổ.”

Dạng trải nghiệm để tìm ra câu trả lời này là nền tảng cho những suy nghĩ và lập luận mang tính logic, khoa học về sau. Không chỉ thế, trò chơi xếp khối còn khuyến khích phát triển khả năng ngôn ngữ, bé sẽ hiểu rõ được những từ thường lặp lại trong khi chơi như: "trên, dưới, bên cạnh, trong, ngoài…"

Mách nhỏ cho mẹ: Những hình khối nhiều màu sắc, hình dáng, khối lượng sẽ khiến trò chơi khó mà vui hơn.


webtretho_6-tro-choi-thong-minh-1

(Ảnh: Internet)

2. Trò xây lâu đài cát

Chỉ cần có cát, nước cùng vài cái xô đồ chơi hoặc khuôn nhựa là con bạn có thể say mê với trò xây lâu đài cát hàng giờ liền. Thông qua trò chơi, con học về thể tích, chất lỏng và chất rắn; không chỉ vậy, bé còn được rèn tính kiên nhẫn nữa.

Mách nhỏ cho mẹ: Trong lúc chơi, thỉnh thoảng bạn hãy đặt những câu hỏi mở để con học hỏi nhiều hơn nữa, chẳng hạn như: “Mấy cái que con cắm vào hố cát tự đứng được nè, tại sao vậy nhỉ?”

3. Trò chơi bắt chước

Hoạt động này sẽ cho bé cơ hội được làm “thủ lĩnh” và bố mẹ sẽ bắt chước theo bé, bất kể đó là xếp lá hay đào đất. Đừng ngăn cản hoặc tìm cách chỉ đạo con mà hãy dành thời gian với con và để bé tìm hiểu về thế giới theo tốc độ của mình. Và nghiên cứu cũng đã cho thấy khi người khác làm theo lời con thay vì ngược lại, bé sẽ học được nhiều từ hơn.

Mách nhỏ cho mẹ: Hãy để con làm điều mà bé thích, tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn có thể đặt câu hỏi để khuyến khích con quan sát và nói nhiều hơn về hoạt động của mình, ví dụ như: “Con đào được nhiều quá này. Đã tìm được gì chưa con?”

4. Trò chơi hóa trang

Trò chơi này giúp phát triển trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo và cả khả năng kiểm soát hành vi - một kỹ năng sẽ rất quan trọng sau này. Khi khoác lên mình những bộ trang phục mới, con có thể xem mình là một nhân vật nào đó khác, và bé sẽ điều chỉnh lời nói, hành động của mình cho hợp với nhân vật mới này.

Mách nhỏ cho mẹ: Hãy chuẩn bị sẵn một số bộ trang phục, khuyến khích con chơi trò hóa trang và xem trí tưởng tượng của bé có thể bay xa đến đâu.

5. Trò chơi nấu ăn

Bạn có thể cho con một chiếc nồi và muỗng gỗ sạch, và để bé giả vờ nấu ăn. Tuy biết đây chỉ là trò chơi giả vờ nhưng bé vẫn rất thích, và qua đó còn phát triển được nhiều kỹ năng quan trọng, giúp ích cho việc... tập đọc sau này. Bởi giống như kỹ năng tưởng tượng, đọc là một hoạt động có tính trừu tượng - chẳng hạn như 2 chữ cái x-e ghép với nhau có thể trở thành thứ mà bố mẹ dùng để đi lại hàng ngày.

Mách nhỏ cho mẹ: Nếu con đòi chơi với thức ăn thật trong khi mẹ không có nhiều thời gian cho việc dọn dẹp? Hãy để trí tưởng tượng của cả mẹ và bé được phát huy bằng cách dùng những đồ vật khác để thay thế, chẳng hạn như mấy tấm thẻ học chữ là thịt gà chiên còn cái đĩa nhựa đồ chơi là bánh pizza. Lưu ý tránh dùng những đồ vật nhỏ, như hạt đậu, vì bé có thể cho vào miệng và bị hóc.

webtretho_6-tro-choi-thong-minh-2

(Ảnh: Internet)

6. Trò chơi trốn tìm

Đây có lẽ là một trong những trò chơi quen thuộc nhất với trẻ em ở khắp nơi trên thế giới. Và mẹ có biết trò chơi này có thể giúp bé rèn luyện khả năng định hướng, xác định đường đi và ước lượng không gian? Ở vị trí của người đi tìm, trẻ sẽ phải hình dung về không gian xung quanh để phán đoán xem đâu có thể là nơi ẩn nấp, nghĩ xem đi đường nào để tới được đó rồi sau đó là chạy thật nhanh tới điểm ẩn nấp đó theo sơ đồ đường đi có trong đầu. Ai mà ngờ trò chơi trẻ thơ lại có thể phức tạp đến vậy chứ!

Mách nhỏ cho mẹ: Với những bé chưa hiểu thế nào là đi trốn, mẹ có thể bắt đầu với việc giấu một đồ vật quen thuộc ngay trước mặt bé, chẳng hạn như giấu con thú bông dưới cái gối rồi nói bé đi tìm. Bé sẽ thấy rất tự hào xen lẫn ngạc nhiên khi lật cái gối ra và thấy con thú bông bên dưới. Đây là cách bé học về vị trí của một đồ vật và cách phán đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét